Gạo Nàng Hương hay còn gọi là gạo nàng hương Chợ Đào mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ, dù trồng bất kỳ thời gian nào trong năm, cũng đều trổ bông vào đúng dịp Đông chí (từ ngày 24/12 dương lịch, có ngày ngắn, đêm dài, sương lạnh...). Và “Nàng” Hương này cũng rất “chung tình”, cả xứ miền Tây rộng lớn nhưng “nàng” Hương chỉ chọn vùng đất Chợ Đào, thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An để gắn bó và đã tồn tại từ rất lâu.
Người dân nơi đây xem gạo Nàng Hương là một sản vật của trời và đất ban tặng và bất cứ ai nếu đem giống gạo Nàng Hương đi ra khỏi vùng đất Chợ Đào, xã Mỹ Lệ thì không thể gieo cấy được.Tìm về với vùng đất Chợ Đào nằm giữa hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và sông Rạch Cát, đây là vùng nước lợ và cũng là nơi được hai con sông bồi đắp phù sa quanh năm. Chắc cũng từ những hạt phù sa đặc biệt ấy mà đất đã chắt chiu cho ra đời thứ gạo ngon nàng hương nổi tiếng.Những cây lúa cao 1,8 đến 2 mét, bông lúa đang chĩu hạt, màu lá đang ngả vàng với mùi hương cốm mới phảng phất theo gió tạo cảm giác mát rượi dù trời đang giữa trưa nắng gắt.
Theo ông bà kể lại, hồi xưa ngay chợ Đào, xã Mỹ Lệ này do được hưởng thụ phù sa từ hai dòng sông Vàm Cỏ Đông, sông Rạch Cát nên một giống lúa cao lêu nghêu xuất hiện. Đến khi cây lúa chín thì cây lúa ngã theo mùa gió chướng (gió biển từ hướng đông thổi về). Khi nấu cơm, nước vừa sôi là mùi hương thơm bay phảng phất, khi chín hạt cơm bóng mượt như ai trộn dầu vào cơm, vị thơm, dẻo hạt ăn rất ngon và đặc biệt để cơm qua đêm nhưng không bị thiu hay mất mùi thơm. Cái giống gạo này lạ lắm, đem nó ra vùng đất khác để trồng thì năm đầu còn thơm, chứ năm sau là mất mùi.Hiện cả Xã Mỹ Lệ, còn chỉ có 500 ha đất trồng được lúa nàng hương Chợ Đào.
Thế nhưng, hiện nay chỉ có khoảng từ 30 đến 40 ha đất trồng đúng giống lúa nàng hương Chợ Đào gốc với năng suất khoảng 3.5 tấn/ ha. Diện tích đất còn lại, người dân trồng bằng giống lúa dòng 1 và dòng 5 do Viện nghiên cứ khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam lai tạo từ giống lúa nàng hương Chợ Đào gốc. |